top of page

Cha mẹ đã bỏ lỡ cơ hội nuôi dưỡng hành vi phù hợp ở con mà không hay biết?

Một người mẹ luôn mong con cư xử đúng mực và lịch sự. Khi con quên nói lời cảm ơn, mẹ nhắc ngay: “Sao con không biết lễ phép vậy?”. Khi con ăn xong mà không dọn chén, mẹ trách: “Lớn rồi mà việc nhỏ vậy cũng không làm!”. Khi con tranh giành đồ chơi với em, mẹ lập tức quát: “Con ích kỷ quá đấy!”.


Mỗi ngày, mẹ kiên trì chỉnh sửa từng lỗi nhỏ của con, mong con sẽ thay đổi. Nhưng điều lạ lùng là mẹ chưa bao giờ dành sự chú ý cho những hành vi tốt của con. Những lần con chủ động nhường em món đồ chơi, những khi con tự giác làm bài tập mà không cần nhắc nhở, hay những lúc con nói lời cảm ơn thật tự nhiên… mẹ đều bỏ qua mà không ghi nhận.


Dần dần, con bắt đầu có cảm giác rằng dù mình có làm tốt đến đâu, mẹ cũng chẳng để tâm. Con nhận ra rằng mẹ chỉ chú ý đến mình khi mình mắc lỗi. Và thế là con vô thức lặp lại những hành vi tiêu cực - không hẳn vì con cố tình sai, mà vì con đang tìm kiếm sự chú ý từ mẹ.

Theo tâm lý học hành vi, hành vi nào được chú ý, hành vi đó có xu hướng lặp lại. Sự chú ý của cha mẹ chính là một dạng phần thưởng. Khi con chỉ nhận được sự quan tâm lúc mắc lỗi, con sẽ học cách thu hút sự chú ý bằng những hành vi tiêu cực. Trái lại, nếu cha mẹ tập trung vào hành vi tích cực, con sẽ có động lực để tiếp tục những hành vi tốt đó.

Theo tâm lý học hành vi, hành vi nào được chú ý, hành vi đó có xu hướng lặp lại. Sự chú ý của cha mẹ chính là một dạng phần thưởng. Khi con chỉ nhận được sự quan tâm lúc mắc lỗi, con sẽ học cách thu hút sự chú ý bằng những hành vi tiêu cực. Trái lại, nếu cha mẹ tập trung vào hành vi tích cực, con sẽ có động lực để tiếp tục những hành vi tốt đó.


Nhiều cha mẹ thường nghĩ: “Con làm đúng thì là chuyện bình thường, tôi chỉ cần chỉnh khi con sai là đủ!”. Nhưng thực tế, điều này có thể khiến trẻ dần mất đi động lực cư xử tốt.


Vậy làm sao để nuôi dưỡng hành vi tích cực ở con? Hãy tập trung vào những gì con làm tốt và dành sự chú ý tích cực cho con!

Sự chú ý của cha mẹ là một phần thưởng lớn đối với trẻ. Khi trẻ có một hành vi phù hợp nhất định và nhận được sự ghi nhận từ cha mẹ, trẻ có xu hướng lặp lại hành vi đó. Vì vậy, nếu cha mẹ dành sự chú ý cho những hành vi tích cực, những hành vi này có khả năng xuất hiện thường xuyên hơn.


Dành sự chú ý tích cực có nghĩa là cha mẹ quan sát, ghi nhận và thể hiện sự hài lòng khi trẻ làm đúng. Có nhiều cách để thể hiện sự chú ý tích cực, bao gồm:

  • Cử chỉ yêu thương: Mỉm cười, ôm hoặc vỗ vai con.

  • Lời động viên: “Cố lên nhé, Bin!” hoặc đơn giản là một cái giơ ngón tay cái.

  • Lời khen ngợi: “Con thật tử tế khi chia sẻ đồ chơi với bạn!”.

  • Lắng nghe tích cực: Hỏi han và thể hiện sự quan tâm khi con chia sẻ.


Chiến lược này sẽ có hiệu quả tối ưu nhất nếu được thực hiện thường xuyên. Khi cha mẹ có thói quen tìm kiếm những điều tích cực, trẻ cũng nhận ra rằng cha mẹ luôn quan tâm và ghi nhận những hành vi tốt, hành vi phù hợp của mình.


Sự chú ý tích cực có thể được áp dụng mọi lúc, mọi nơi: khi đi mua sắm, ăn cơm, rửa bát hay trên đường đến trường… Điều này không đòi hỏi nhiều thời gian mà chỉ đơn giản là một phần trong giao tiếp hằng ngày giữa cha mẹ và con.


Lời khen ngợi đặc biệt quan trọng khi trẻ đang gặp khó khăn trong quá trình rèn luyện một kỹ năng hoặc điều chỉnh một hành vi. Cha mẹ có thể khen ngợi sự nỗ lực, chứ không nhất thiết chỉ tập trung vào kết quả. Nếu trẻ nhận được sự động viên ngay cả khi chưa thành công, trẻ sẽ có động lực tiếp tục cố gắng. Ví dụ, nếu trẻ đang tập buộc dây giày nhưng chưa làm được, cha mẹ có thể nói: “Con đã cố gắng rất nhiều, mẹ tin là con sắp làm được rồi! Hôm nay, mình cùng tiếp tục thử lại nhé!”.


Con trẻ không phải lúc nào cũng cư xử hoàn hảo. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến hành vi phù hợp và giảm bớt sự chú ý đến hành vi chưa phù hợp. Khi cần thiết, cha mẹ có thể sử dụng các chiến lược khác như hệ quả tự nhiên và hợp lý để giúp trẻ hiểu rằng hành vi đó không được chấp nhận, mà không vô tình củng cố nó bằng sự chú ý quá mức.


Hãy biến sự chú ý tích cực thành thói quen hằng ngày. Càng dành nhiều sự chú ý tích cực cho con, cha mẹ sẽ càng cảm thấy điều đó trở nên tự nhiên hơn, giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con thêm bền chặt. Khi trẻ cảm thấy được ủng hộ, khích lệ và an toàn, trẻ sẽ cư xử phù hợp hơn.


Dưới đây là một số cách giúp cải thiện mối quan hệ cha mẹ - con cái, đồng thời hỗ trợ hành vi tích cực của trẻ:

  • Dành thời gian kết nối với con: Quan sát và bình luận về những gì con quan tâm, ví dụ: “Mẹ thấy con chọn khối màu đỏ và xanh lá để xây tháp nhỉ!”. Điều này giúp trẻ cảm thấy được trân trọng.

  • Đi theo sự dẫn dắt của con: Khi chơi cùng con, hãy để trẻ lựa chọn hoạt động khi có thể. Điều này gửi đi thông điệp rằng sở thích của trẻ rất quan trọng, từ đó giúp trẻ thêm tự tin.

  • Tạo sự gần gũi: Ngồi xuống sàn, quỳ trên cỏ hoặc cúi ngang tầm mắt của con. Đối diện với con thay vì đứng từ xa quan sát. Nhìn vào mắt con, thả lỏng cơ thể và mỉm cười.


Sự chú ý tích cực không chỉ là một kỹ thuật dạy con, mà còn là cách thể hiện tình yêu thương và sự gắn kết. Khi cha mẹ dành sự chú ý tích cực, trẻ sẽ cảm thấy an toàn, được yêu thương và có nền tảng vững chắc để phát triển.


Tháng 04/2025 này thầy Thành sẽ khai giảng lớp ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC HÀNH VI TRONG NUÔI DẠY CON - khóa học này được thiết kế dành riêng cho các cha mẹ và thầy cô, tiếp cận một cách chuyên sâu, kết hợp giữa Tâm lý học Hành vi và Khai vấn Cảm xúc, dựa trên những nguyên tắc khoa học từ các chương trình nổi tiếng như Triple P và Bringing Baby Home.


Thông tin chi tiết về chương trình và ưu đãi học phí, cha mẹ và thầy cô có thể tham khảo tại đây: https://forms.gle/XD7XinAUQTW9JdXE7


Nguồn tham khảo

  • Bài viết gốc: raisingchildren

  • Dịch và tổng hợp: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh

------------------

Nguyễn Minh Thành

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học (Bỉ)

Thạc sĩ Khoa học (MS) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục (Trung Quốc)

Chuyên gia Tâm lý học Gia đình và Trẻ em

Comments


bottom of page