4 bước giúp con vượt qua sự thất vọng
- Family & Child Psychology
- 7 thg 12, 2024
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 14 thg 3
Giống như người lớn, trẻ em sẽ phải đương đầu với thách thức và thất bại trong cuộc sống. Có đôi khi với cha mẹ nó chỉ là một sự phiền toái nho nhỏ, dễ dàng vượt qua; nhưng có thể khiến cả thế giới của trẻ như bị thiêu rụi vì thất vọng và bực bội.

Đầu tiên, xác nhận những gì trẻ đang cảm thấy
Nếu cha mẹ nhận thấy con mình đang bực bội hay thất vọng, điều đầu tiên cần làm là xác nhận rằng trẻ cảm thấy như vậy là hoàn toàn bình thường, vì đây là điều trẻ phải trải qua khi đối diện với những tình huống trên.
Lắng nghe chủ động trước khi cố gắng xử lý vấn đề. Cha mẹ nên chú tâm vào câu chuyện của con trẻ, đặt những câu hỏi gợi mở để xác nhận những cảm xúc đang hiện hữu trong trẻ và những khó khăn mà trẻ đang phải trải qua.
Ví dụ, con trai thất vọng vì lịch đi biển bị dời vài lần do thời tiết: "Mẹ thấy là con đang buồn. Mẹ biết con rất muốn đi biển và việc không được đi vì thời tiết xấu khiến con cảm thấy thất vọng".
Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể giải quyết những thứ khiến trẻ thất vọng. Hãy giúp trẻ hiểu rằng không phải mong đợi hay kỳ vọng nào của chúng ta đều xảy ra như ý muốn, và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được những điều đó.
Thứ hai, không nóng vội mà thay trẻ xử lý vấn đề
Chẳng dễ dàng gì khi chứng kiến con mình buồn bã và thất vọng, càng không thể ngồi yên khi cha mẹ biết rõ bản thân có thể xử lý những nguyên nhân gây nên chuyện đó. Thế nhưng, tạm bỏ qua sự "sốt ruột", cha mẹ sẽ nhận thấy rằng đây là cơ hội để giúp con đối diện với những cảm xúc khó chịu, với những tình huống không như ý.
Không có cha mẹ nào muốn con mình phải chịu đựng hay trải khó khăn, nhưng "trong cái khó" sẽ "ló cái khôn", trẻ sẽ học được cách tự mình tìm ra giải pháp để giải quyết khó khăn đó.
Ví dụ, cha mẹ "ghét" việc con mình buồn bã và thất vọng khi các bạn cùng lớp không chơi cùng. Những lúc như vậy, cha mẹ hãy nhớ rằng ai cũng cần phải đối mặt với việc người khác không thích hay không hòa hợp được với mình. Thay vì "ghét" lây sang các bạn của con, hãy tìm hiểu vấn đề và dạy con những kỹ năng cần thiết để kết bạn, rồi để con tự thực hành, tự tìm ra những tình bạn ý nghĩa.
Tất nhiên, nếu trẻ đối mặt với các tình huống nguy hiểm hay những vấn đề nghiêm trọng, cha mẹ cần can thiệp và xử lý kịp lúc. Hãy lưu tâm đến nỗi buồn và sự thất vọng của trẻ, và nếu nó ảnh hưởng quá mức đến đời sống hằng ngày, hãy tìm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn.
Thứ ba, giúp trẻ ngồi lại với những cảm xúc khó
Cách tốt nhất để giúp trẻ ngồi lại với những cảm xúc đầy thách thức phụ thuộc vào mức độ và cách trẻ thể hiện những cảm xúc đó.
Nếu khoảnh khắc trẻ đang thực sự thất vọng, thì những lời an ủi, khuyên nhủ hay động viên cũng vô ích. Thay vào đó, hãy cố gắng giúp trẻ lấy lại bình tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở. Chỉ ngồi yên tĩnh và cảm nhận bản thân đang hít thở. Trẻ không nhất thiết phải cân bằng cảm xúc lại ngay lập tức, nhưng hãy nhắc trẻ nhớ rằng việc la hét, ném đồ đạc hay thể hiện sự thất vọng, tức giận bằng cách làm tổn thương người khác là không nên.
Cho trẻ cơ hội ngồi xuống với những cảm xúc khó là một trong những cách tuyệt vời để giáo dục cảm xúc xã hội. Trẻ hay tất cả mọi người đều cần phải trải qua những cảm xúc khó như buồn bã, tức giận hay thất vọng. Đừng cố loại bỏ những cảm xúc đó vì như vậy cha mẹ sẽ vô tình truyền cho trẻ thông điệp "những cảm xúc khó rất nguy hiểm", khiến trẻ không thể tự cân bằng những cơn sóng cảm xúc của chính mình.
Thứ tư, đề nghị hỗ trợ trẻ điều chỉnh cảm xúc
Khi trẻ đã bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt với vấn đề, hãy hỏi xem trẻ có muốn cha mẹ hỗ trợ suy nghĩ giải pháp hay không. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi mở: Điều gì làm con cảm thấy khó khăn? Tại sao con nghĩ nó thực sự khó khăn?,... Từ đó, cha mẹ hãy hỏi về những gì con cần tại thời điểm đó, dù cho đó là một cái ôm hay một giải pháp cụ thể. Và, khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ nên đặt những câu hỏi như: Con đã thử những giải pháp nào? Giải pháp nào con thấy hiệu quả nhất? Con nghĩ còn cách nào khác hiệu quả hơn không?
Tham gia vào việc hỗ trợ trẻ sẽ giúp cha mẹ lấy lại cân bằng ở hai khía cạnh: cha mẹ không còn cảm thấy mình đang bỏ rơi con trong lúc khó khăn, và cũng không thay con giải quyết vấn đề ngay lập tức.
Cuối cùng, cha mẹ nên cùng trẻ nhìn lại xem trẻ đã cảm thấy tốt hơn như thế nào và điều gì giúp trẻ thành công. Việc này sẽ mang lại cho trẻ sự tự tin vì trẻ biết rằng bản thân hoàn toàn có thể nghĩ ra các công cụ để giải quyết vấn đề chứ không chỉ phụ thuộc vào cha mẹ.
Và cuối cùng, đừng khăng khăng giúp đỡ nếu trẻ không muốn
Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ muốn tự chủ và độc lập hơn. Trẻ cũng ít cởi mở với cha mẹ về những trải nghiệm cảm xúc của mình. Thay vì nhờ sự trợ giúp của cha mẹ, trẻ sẽ tìm đến hỏi ý kiến của bạn bè. Vì vậy, ngay cả khi cha mẹ biết là con đang gặp vấn đề gì, cần xử lý như thế nào thì con vẫn tỏ ra không quan tâm đến đề xuất hay giải pháp của cha mẹ đưa ra.
Cha mẹ nên thận trọng hơn trong việc đưa ra những gợi ý mà trẻ không yêu cầu. Đừng cố gắng giúp trẻ giải quyết, cũng đừng thuyết phục trẻ nên làm theo cách này cách kia. Khi xác thực được cảm xúc của trẻ, cha mẹ hãy lùi lại một chút, và đặt cho trẻ những câu hỏi thẳng thắn: "Con sẽ làm gì trong lúc này?", "Con định giải quyết vấn đề này như thế nào?",... Điều này báo hiệu cho trẻ biết cha mẹ tin rằng trẻ có đủ khả năng xử lý tình huống.
Nhưng hãy nhớ rằng chiến lược này không phải lúc nào cũng được áp dụng thành công. Và cha mẹ hoàn toàn có thể phạm sai lầm vì quá lo lắng, nôn nóng xử lý vấn đề mà nói ra những lời phán xét, chỉ trích hay thất vọng ngược lại với cách hành xử của trẻ tại thời điểm đó. Những lúc như vậy, điều nên làm là lấy lại bình tĩnh, sau đó thừa nhận thiếu sót của bản thân và nói lời xin lỗi một cách chân thành.
Hãy kiên nhẫn. Không phải mọi khó khăn đều được giải quyết chỉ sau một lần nói chuyện. Cha mẹ và con có thể cần nhiều hơn một cuộc trò chuyện trước khi trẻ sẵn sàng chia sẻ và đồng ý nhận sự trợ giúp từ cha mẹ.
Cha mẹ cũng không nên "ép" mình phải thành công ngay lập tức khi thực hiện những gợi ý này. Cái gì cũng cần có thời gian thực hành và thẩm thấu. Và việc nuôi dạy con hay trở thành một bậc "cha mẹ đủ tốt" cũng vậy!
Nguồn tham khảo
Bài viết gốc: https://www.today.com/health/mind-body/helping-kids-through-setbacks
Dịch và tổng hợp: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh
------------------
Nguyễn Minh Thành
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học (Bỉ)
Thạc sĩ Khoa học (MS) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục (Trung Quốc)
Chuyên gia Tâm lý học Gia đình và Trẻ em
Comments