top of page

Đừng phó mặc con cái cho nhà trường!

Đã cập nhật: 14 thg 3

Sự tham gia vào giáo dục của cha mẹ là các hành vi của cha mẹ được thực hiện tại nhà và ở trường nhằm thúc đẩy thành tích học tập và sự phát triển tâm lý của trẻ. Điều này là đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống tương lai của trẻ sau này.

Đừng phó mặc con cái cho nhà trường!

Parental Educational Involvement (PEI) - Tại sao việc tham gia vào quá trình giáo dục con lại quan trọng?

Sự tham gia vào giáo dục của phụ huynh là một khái niệm được sử dụng để mô tả một loạt các hành vi của cha mẹ được thực hiện tại nhà (ví dụ: giúp trẻ làm bài tập về nhà) và ở trường (ví dụ: tham gia hội thảo giáo dục) để thúc đẩy thành tích học tập và phát triển tâm lý của trẻ theo niềm tin và kỳ vọng về giáo dục của cha mẹ (Seginer, 2006).


Sự tham gia vào giáo dục của cha mẹ, như khái niệm của nó - không chỉ bao gồm việc giúp đỡ con trẻ trong hoạt động học tập tại nhà, mà còn là việc phụ huynh tham gia vào các công tác giáo dục ở nhà trường. Khẩu quyết "Gia đình - Nhà trường - Xã hội" đã trở thành mô hình được tuyên truyền rất nhiều ở nước mình, nhằm nhấn mạnh vai trò liên kết của các yếu tố môi trường này trong việc thúc đẩy hiệu quả giáo dục cho trẻ em.


Tuy nhiên, đúng là "biết thế nhưng chưa làm như thế", vẫn còn tồn tại khá nhiều cha mẹ có tâm lý phó thác con trẻ cho nhà trường, mà nguyên nhân thì có nhiều, giả dụ:

  • Anh/chị không có thời gian đâu, công việc bận lắm?

  • Anh/chị rất tin tường nhà trường và cô giáo, nên thôi mình không cần tham gia nữa?

  • Ôi dào, việc giáo dục ở trường đã có các cô lo, mình biết gì mà tham gia, vướng chân vướng tay?

  • Trường của con anh/chị chẳng có hoạt động gì cho phụ huynh tham gia hết em ạ?


Sự tham gia của cha mẹ vào giáo dục có ảnh hưởng gì đối với sự phát triển của trẻ em?

Những nguyên nhân bên trên cản trở cha mẹ tham gia vào việc giáo dục trẻ em cả tại nhà lẫn tại trường, từ đó đánh mất nhiều cơ hội phát triển của con trẻ - mà cuối cùng khá nhiều người lại đi "đổ hết lên đầu giáo viên và nhà trường".


Dưới đây là một vài nghiên cứu về ảnh hưởng của sự tham gia của phụ huynh vào giáo dục đối với sự phát triển của trẻ em:

  • Nghiên cứu của Olaniyi Bojuwoye và cộng sự (2008) chỉ ra rằng sự tham gia của cha mẹ vào giáo dục có tương quan tích cực (thuận chiều) với thành tích học tập của trẻ em. Những đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ tích cực hỗ trợ, tương tác với con cái có điểm số cao hơn những trẻ em ở trong gia đình có PEI thấp.

  • Nghiên cứu của Susana và cộng sự (2017) chỉ ra rằng sự tham gia vào công tác giáo dục của phụ huynh góp phần thúc đẩy động lực học tập của trẻ bằng cách truyền đạt niềm tin của cha mẹ vào khả năng của trẻ và thể hiện sự quan tâm đến sự tiến bộ và học tập của con.

  • Một nghiên cứu theo chiều dọc của Mido Cang và cộng sự (2009) phát hiện ra rằng các bà mẹ tham gia các lớp học làm cha mẹ hoặc các cuộc họp phụ huynh tại trường đã cho thấy sự cung cấp nhiều kích thích về ngôn ngữ và nhận thức ở nhà cho trẻ hơn các bà mẹ khác. Cuối cùng những trẻ em này đã đạt được điểm số Bayley MDI cao hơn (Bayley là 1 công cụ để đánh giá sự phát triển của trẻ em).


Giáo dục đã đi qua thời kỳ "Lấy giáo viên làm trung tâm", tiếp tục đi qua cuộc cải cách "Lấy học sinh làm trung tâm" và tiến vào một mô hình giáo dục mới "Giáo dục lấy con người làm trung tâm - Giáo dục tích cực". Trong triết lý này, tất cả những ai ảnh hưởng tới hiệu quả giáo dục đều được coi là một nhân tố cần phải tác động đến, từ trẻ em - giáo viên, cho tới phụ huynh, cộng đồng dân cư, các cấp quản lý,... đều có trách nhiệm tham gia và tích cực ảnh hưởng lên hiệu quả giáo dục.


Tuy nhiên, lớp lang gần nhất đối với sự phát triển của đứa trẻ vẫn là môi trường gia đình và nhà trường, mà chủ chốt là giáo viên và phụ huynh (theo như Lý thuyết sinh thái hệ thống - Ecological System Theory, thì gia đình và nhà trường thuộc lớp Vi mô - Microsystem Layer, có tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của trẻ em).


Hãy cùng hành động! Có thể bắt đầu từ việc thay đổi quan điểm của mình về giáo dục trẻ em bằng cách không ngừng tham gia học tập để biết thế nào là "làm phụ huynh hiệu quả".


Nguồn tham khảo

  • Chang, M., Park, B., Singh, K., & Sung, Y. Y. (2009). Parental Involvement, Parenting Behaviors, and Children’s Cognitive Development in Low-Income and Minority Families. Journal of Research in Childhood Education, 23(3), 309–324.

  • Olaniyi Bojuwoye, Mageshni Narain (2008). Parental involvement and children's academic achievement in a South Africa setting. Journal of Psychology in Africa 18(2):275-278 ·

  • Seginer, R. (2006). Parents’ Educational Involvement: A Developmental Ecology Perspective. Parenting, 6(1), 1–48.

  • Susana Rodríguez, Isabel Piñeiro, M Luisa Gómez-Taibo, Bibiana Regueiro, Iris Estévez and Antonio Valle (2017). An explanatory model of maths achievement: Perceived parental involvement and academic motivation. Psicothema 2017, Vol. 29, No. 2, 184-190.

------------------

Nguyễn Minh Thành

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học (Bỉ)

Thạc sĩ Khoa học (MS) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục (Trung Quốc)

Chuyên gia Tâm lý học Gia đình và Trẻ em

Comments


bottom of page